Giới thiệu chung

Xin chào mừng các bậc cha mẹ học sinh và các con đã đến với Trường THPT Thăng Long, ngôi trường đã khẳng định chất lượng giáo dục toàn diện và kỷ cương nền nếp hàng đầu khối trường THPT của thành phố Hải Phòng. Chúng tôi xin trân trọng gửi đến quý CMHS và các con lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin về sự nghiệp trồng người của trường THPT Thăng Long trên con đường phát triển và hội nhập...

Xem tiếp


Tôi trở thành người câm trong nhà, bố chửi bới tôi không phản ứng, chỉ đi học đi làm, ngồi ăn cơm tôi ăn thật nhanh rồi đứng dậy. Rồi tôi đậu đại học Sư phạm, bố thậm chí không biết, không quan tâm.

Tôi là sinh viên năm 3 đại học, vị trí trước đây không dám nghĩ tới. Nhà tôi 5 chị em, chị học rất giỏi, tôi cũng thông minh, còn lém lỉnh nữa. Tưởng cuộc sống gia đình sẽ mãi vui cười với những đứa con ngoan ngoãn giỏi giang nhưng không... Nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ vào Nam lập nghiệp khi chị gái tròn một tuổi, nhà tranh, vách đất, mưa dột, tôi đều nếm cả. Năm học lớp 4, chị học lớp 7, bố bị tai nạn chạy chữa hết hơn 10 triệu, lúc ấy mẹ lại sinh đứa em út của tôi.

Mỗi lúc nghe mẹ nói chắc cả nhà đi ăn xin, đầu óc non nớt của tôi vô cùng lo lắng và sợ hãi. Bố cũng khỏi bệnh trở về, nhà càng nghèo túng hơn và bố quyết định cho chị tôi nghỉ học. Tôi còn nhớ rõ thầy chủ nhiệm của chị vào động viên và cả bạn bè nữa. Vừa lúc ấy chị đi làm về, nhìn chị khóc tôi thương lắm chứ. Vậy mà bố cương quyết bắt chị nghỉ học, mẹ nói ông chửi cả mẹ.

Từ đó tôi cũng bị ám ảnh việc nghỉ học, luôn đạt thành tích học sinh giỏi. Đó là điều mong ước của bao nhà khác thì đối với nhà tôi việc đó là bình thường. Tôi đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh mà không có ai chở đi cả, thậm chí cây bút mực cũng không có (dùng bút bi rẻ hơn), mẹ của thằng bạn đi thi cùng vào chở tôi đi.

Chị cũng đi lấy chồng, tôi học hết lớp 9, chính thời gian này nỗi lo của tôi đã thành sự thật. Bố không cho tôi đi học cấp 3, tôi khóc. Mẹ quyết định không để tôi như chị, mẹ nói thẳng: “Ông không cho đi thì tôi cho”. Lúc này kinh tế nhà tôi đã đỡ hơn rất nhiều, đủ khả năng để cho tôi đi học, tôi đâu cần gì nhiều, chỉ cần có thời gian thôi.

Không đi ôn thi tôi vẫn vào trường điểm, lớp chọn hơn hẳn những đứa bạn. Cuộc chiến của tôi và bố bắt đầu, cha con không nói chuyện. Đi học về tôi làm việc nhà, buổi nào rảnh tôi đều vào rẫy nhổ cỏ, hái đậu, bẻ củi phụ mẹ. Bố hạn chế đi làm, tôi phải phụ mẹ đủ thứ, bơm thuốc sâu, thuốc cỏ, cuốc hốc trồng mì, ông đều để mẹ làm. Mỗi lúc nhìn mẹ còng lưng khoác cái bình thuốc sâu trên lưng, tôi căm ghét bố khủng khiếp. Tôi cố học, không đi học thêm, lực học tôi xuống hẳn. Mỗi lần làm bài kiểm tra điểm thấp mà tôi dằn vặt, thấy có lỗi với mẹ, quyết cố gắng học, có những lúc bất lực tôi bật khóc. Từ khi mẹ cho học cấp 3, bố hay tìm cách gây gổ với mẹ dù là việc rất nhỏ. Những trận đòn ấy tôi mãi bị ám ảnh đến giờ và càng thương mẹ hơn.

Chi phí đi học của tôi hầu hết là của bản thân và chị gái. Hè, sau khi làm xong việc rẫy của nhà, tôi nhận thêm hàng về thêu, nhận bóc vỏ lụa hạt điều, đi mót hái…, số tiền ấy đủ để tôi mua sách vở và đóng học phí một học kỳ. Tôi đâu dám sắm sửa, chưng diện như bạn bè, áo dài cũng xin lại của người ta, từ chối các cuộc chơi của lớp, hạn chế các mối quan hệ xã hội, chỉ những đứa bạn thân mới hiểu hoàn cảnh của tôi thôi.

Bố không cho tôi đi học thì thôi, lại còn tìm cách gây khó dễ cho việc học của tôi nữa. Năm tôi học 12, bố càng nhiếc móc tôi nhiều hơn, em tôi mải chơi quên làm việc gì bố dặn, ông lại khía tôi: “Không làm thì đừng ăn”, “Học lắm sau này cũng bốc cát mà ăn thôi”.

Tôi vẫn phải đi rẫy, ngày rảnh việc đồng, ngồi ở nhà học ôn thi cũng không yên, phải giả vờ đi làm mà trong cái áo mưa là tập sách, vô rẫy học bài vừa yên tĩnh vừa khỏi làm gai trong mắt bố, chiều tối vơ đại ôm củi chở về thế là xong. Tối về tôi cũng không yên, lúc ôn bài bố lại mở tivi thật to, tôi xuống bếp học (bếp cách nhà vài mét). Bóng đèn điện bám khói bếp mờ mịt, khuya mọi người đi ngủ tôi lên nhà bật đèn bàn học, bố hầm hầm đi ra lấy bạt che cửa với lý do ánh đèn hắt qua ông không ngủ được.

Tôi đi phụ bán bánh, rồi gia sư… cũng đủ trang trải cuộc sống trên Sài Gòn. Lâu lâu kẹt cũng xin mẹ và đặc biệt chị gái luôn giúp tôi rất nhiều quần áo. Tôi trở thành một người câm trong nhà, bố chửi bới tôi không phản ứng, chỉ đi học đi làm, ngồi ăn cơm tôi ăn thật nhanh rồi đứng dậy. Rồi tôi đậu ĐH Sư phạm, bố thậm chí không biết, không quan tâm. Tôi và bố vẫn chiến tranh, mỗi lần về ông đều tỏ thái độ không vui và chửi mắng em tôi nhiều hơn.

Đứa em kế tôi tự nó quyết định học hết lớp 9 rồi nghỉ, tôi khuyên không được nên dắt nó lên Sài Gòn ở cùng tôi rồi cho nó đi học nghề, nó vừa làm thêm kiếm tiền vừa học giờ cũng đi làm. Hai đứa út học rất giỏi, đứa lớp 8, đứa lớp 6. Mới đây thằng em út điện thoại nói “Bố bảo em học hết lớp 9 ở nhà đi làm, em muốn đi học cơ". Tôi nghe mà thấy bố sao bảo thủ quá. Không sao, tôi sẽ lo cho em được.

Giờ sắp đến Tết tôi lại tưởng tượng ra cảnh về nhà làm cho không khí nhà ảm đạm thêm. Tôi chợt nghĩ liệu mình có nên hòa với bố không? Mấy năm nay tôi về cũng không nói chuyện với bố, thậm chí số điện thoại bố cũng không có. Tôi cũng muốn gia đình vui vẻ lắm nhưng mỗi lúc ý định làm hòa chưa kịp sáng lên thì những câu chửi bới, những trận đòn bố dành cho mẹ lại ùa về, dập tắt cái ý định ấy của tôi ngay.

Tôi thật sự muốn khóc, giờ này vẫn nán trên Sài Gòn, phần muốn tranh thủ làm thêm kiếm ít tiền, phần chưa muốn về dù lòng nhớ mẹ, thương em đầy ngập, tôi vẫn đang đếm từng ngày đến Tết. Mấy năm trời tôi cũng không được gọi một tiếng “Bố”, mỗi lúc thấy bạn bè có bố điện thoại hỏi thăm tôi buồn ghê gớm. Không lẽ cứ mãi chiến tranh như thế sao? Tôi có nên làm hòa không? Bắt đầu từ đâu? Tôi thật sự bối rối và phân vân quá. Mong các cô bác anh chị cho tôi một lời khuyên. Cảm ơn mọi người



Thống kê truy cập